GD&TĐ – STEM, STEAM trong các nhà trường đã mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Cô trò Trường Mầm non Hoà Nghĩa, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng.
STEAM tạo hứng khởi cho trẻ mầm non
Giáo dục STEAM và STEM là chương trình giáo dục hiện đại, đã được triển khai trong ngành giáo dục cả nước, mang lại những hiệu ứng tích cực. Phương pháp giáo dục này đã được ứng dụng trong chương trình giảng dạy của nhiều trường mầm non và trung học tại Hải Phòng giúp học sinh được trải nghiệm môi trường sáng tạo, phát triển tư duy và ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.
Phương pháp STEAM là phương pháp giảng dạy tích hợp nhằm trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng liên quan đến 5 lĩnh vực là Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Art (Nghệ thuật), Mathematics (Toán học) cho trẻ mầm non.
Sự kết hợp này đã thúc đẩy tư duy giải quyết vấn đề khoa học, phát triển các kỹ năng cho học sinh như giao tiếp, hợp tác, xử lý thông tin, tự phục vụ, đảm bảo an toàn…
Giờ học STEAM của cô trò Trường Mầm non Hoà Nghĩa
Phương pháp giáo dục STEAM ở mầm non tạo hứng khởi cho trẻ trong mỗi bài học, mỗi hoạt động, thí nghiệm. Học sinh sẽ nắm được quy trình thực hiện, thấy được sự thay đổi trạng thái, hình dáng, kích thước của sự vật hiện tượng. Việc này sẽ giúp các bé hiểu rõ vấn đề và dễ dàng ứng dụng vào thực tế thông qua những việc tận mắt nhìn thấy, nghe thấy và chạm vào.
Ứng dụng STEAM vào giảng dạy, cô Nguyễn Thị Huyền Chi, giáo viên Trường Mầm non Hoà Nghĩa, quận Dương Kinh đã hướng dẫn học sinh lớp 4 tuổi làm xe chở hàng.
Để các bé thực hành được mô hình, trước hết cô cho các con quan sát đặc điểm, cấu tạo, hình dáng của xe. Các bé biết được bộ phận của xe gồm: bánh xe, thùng có chỗ để hàng… kích thước, tính chất của một số nguyên liệu để làm xe chở hàng, sự di chuyển của xe. Theo cô Chi, đó là những kiến thức Khoa học đơn giản nhất giúp học sinh hình thành tư duy về mô hình chiếc xe.
Trẻ thực hành các kĩ thuật tạo mô hình STEAM.
Để hoàn thành chu trình sản phẩm, cô trò cần sử dụng một số dụng cụ để hỗ trợ: Kéo, dây thít, súng bắn keo, thước kẻ, thước dây,…ứng dụng kĩ thuật bằng cách tạo ra bản thiết kế, vẽ các bước và tạo ra xe chở hàng từ các nguyên vật liệu. Các con được cô hướng dẫn kỹ thuật ghép, luồn nối ống tạo khung, buộc dây, gắn nối các nguyên vật liệu.
Các bé được rèn kĩ năng trang trí xe đẩy hàng; đo kích thước của xe; đếm bánh xe. Từ các hoạt động, trẻ được rèn kĩ năng ngôn ngữ. Các con được nghe, hiểu, biểu đạt chia sẻ ý tưởng, chia sẻ về sản phẩm tạo ra với cô và các bạn. Kĩ năng hợp tác, hợp tác theo nhóm, kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện được hình thành.
Nguồn: Báo Giáo dục thời đại